PHÂN TÍCH SWOT

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ RFID VÀO CHUỖI CUNG ỨNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

How can we help you?
 

If you want to know more about RFID applications, please visit our other related blogs. Also, you are welcome to contact us to learn more about RFID products.

RFID LÀ GÌ ?

RFID (viết tắt thuật ngữ Radio Frequency Identification), hay Nhận dạng qua tần số vô tuyến, là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả một hệ thống truyền nhận dạng không dây (dưới dạng một số sê-ri duy nhất) của một đối tượng bằng sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể . Các thẻ chứa thông tin được lưu trữ điện tử và được đếm hoặc ‘đọc’ bởi đầu đọc RFID cầm tay hoặc cố định.

Xem thêm

ỨNG DỤNG RFID TRONG QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG

Đối với một doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng là việc phối hợp các hoạt động liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ với các thành phần tham gia chuỗi cung ứng, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Các hoạt động nói trên bao gồm cung ứng đầu vào, sản xuất và phân phối sản phẩm, cung ứng dịch vụ đến khách hàng cuối cùng.
 

Một số ứng dụng phổ biến bao gồm : 

– Nhập Kho

– Xuất Kho

– Kiểm kê hàng hóa theo thời gian thực

– Kiểm soát hàng hóa Tạm xuất – Tái Nhập hoặc ngược lại.

 

Xem chi tiết giải pháp tại : Xem Thêm

 
PHÂN TÍCH SWOT

Các doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư vào bất cứ thương vụ hay lĩnh vực nào cũng phải giải quyết bài toán chi phí – lợi ích. Nhất là đối với những dự án có vốn đầu tư lớn như dự án ứng dụng công nghệ RFID vào toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong phần này,bài viết sẽ dùng mô hình SWOT để đưa ra phân tích tổng quát về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang gặp phải trước thách thức mang tên “Ứng dụng công nghệ RFID vào chuỗi cung ứng”.

1 Điểm Mạnh (Strengths)

Thứ nhất, Việt Nam đã có nền tảng ứng dụng công nghệ RFID trong các lĩnh vực công (trạm thu phí tự động, hệ thống kiểm soát bãi đỗ xe tự động …) và một số ngành trong lĩnh vực tư nhân (kiểm soát ra vào, chấm công điện tử cán bộ công nhân viên …). Điều này vừa là cơ sở vững chắc vừa là tiền đề thúc đẩy việc ứng dụng RFID vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ hai, trên thế giới, công nghệ RFID đã xuất hiện từ thập niên 70 và đã trải qua nhiều chặng đường phát triển. Là một nước đi sau, một ngành đi sau, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể hưởng lợi thế từ việc áp dụng những công nghệ tiên tiến và mới nhất, đồng thời có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm áp dụng từ các nước trên thế giới, tính toán được các bất cập có thể xảy ra và tìm cách giải quyết trước cho những bất cập đó. Ban đầu, RFID là công nghệ khá đắt đỏ, chỉ được dùng ứng dụng trong quân đội và một số lĩnh vực của Nhà nước. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho việc cải tiến và giảm giá thành của công nghệ này. Từ đó tạo điều kiện cho RFID len lỏi vào mọi khâu trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Thứ ba, việc triển khai hệ thống công nghệ RFID đã được đơn giản hóa tương đối nhiều so với trước đây. Hiện nay, các công ty công nghệ thông tin đã tiến hành cung cấp trọn gói hệ thống RFID cho doanh nghiệp bao gồm cả lắp ráp và bảo hành. Ngoài ra, nhiều công ty còn cung cấp cả dịch vụ cài đặt phần mềm cũng như có những chương trình tư vấn cho các doanh nghiệp muốn hiểu rõ hơn về công nghệ RFID. Đồng thời, họ tổ chức những chương trình đào tạo nhằm giúp cán bộ công nhân viên của khách hàng hiểu rõ hơn về toàn bộ tính chất cũng như các cách thức vận hành hệ thống RFID hiệu quả nhất.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trên đà phát triển lớn mạnh và bền vững như chuỗi siêu thị Vinmart, siêu thị Co.op mart, thế giới di động – trong dài hạn, các siêu thị này cần có hệ thống công nghệ quản lí toàn diện và xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Công nghệ RFID chính là chìa khóa giúp hoàn thiện hệ thống quản lí chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp này có nhu cầu, và nguồn cung thì sẵn sàng, thời điểm vàng chỉ là lúc cung cầu gặp nhau. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang cần người tiên phong ứng dụng công nghệ RFID trong quản lí chuỗi cung ứng, để khởi động cho một thị trường ứng dụng RFID sôi động.

2. Điểm Yếu (Weaknesses)

Thứ nhất, vấn đề cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin lưu trữ back-end vẫn chưa được cập nhật ở mức độ “ngay lập tức” và còn mang tính chất rời rạc, chưa có tính thống nhất. Trong khi đó, muốn công nghệ RFID phát huy được tối đa hiệu quả, phải xây dựng hệ thống back-end, đồng thời các giải pháp CRM, phần mềm ERP, chương trình APS, … cũng cần phải được tích hợp vào chuỗi cung ứng để phát triển hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của tập đoàn.

Thứ hai, nguồn vốn luôn là vấn đề được nhắc đến trong các bài toán đầu tư của doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt đang trên đà phát triển lớn mạnh, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có lượng vốn dồi dào và sẵn sàng vung tay để đầu tư vào công nghệ. Vốn ít – đầu tư lớn là một “canh bạc” may rủi và đầy tính mạo hiểm khiến cho các doanh nghiệp lo lắng.

Thứ ba, lực lượng lao động ở Việt Nam chủ yếu là lao động cơ bản, trình độ về khoa học kĩ thuật chưa cao. Đặc biệt là đối với công nghệ mới như RFID, lực lượng được đào tạo bài bản và có hiểu biết sâu sắc chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ. Trong khi đó, để có thể vận hành hiệu quả công nghệ RFID, cần có sự kết hợp của nhiều máy móc và phần mềm. Do vậy, nó đòi hỏi người vận hành phải có sự hiểu biết nhất định về phương thức hoạt động cũng như những đặc điểm của toàn hệ thống.

Thứ tư, giao tiếp giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với các nhà bán lẻ Việt còn thiếu sự gắn kết, dẫn đến việc dòng thông tin lưu chuyển trong toàn chuỗi chưa liên tục. Trong khi đó, áp dụng công nghệ RFID đòi hỏi tính liên tục của luồng thông tin. Công nghệ RFID không thể chỉ áp dụng trong nội bộ các doanh nghiệp bán lẻ, mà phải được ứng dụng ở cả các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng, để có sự truyền thông và giao tiếp thông tin, mang lại hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ.

3. Cơ Hội (Opportunities)

Thứ nhất, công nghệ RFID ngày càng được chú trọng đầu tư tại Việt Nam. Đầu năm 2012, Bộ Khoa học – Công nghệ đã phê duyệt đầu tư hơn 145.7 tỷ đồng vào dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” do ThS Ngô Đức Hoàng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm. Đồng thời, ngày 27 tháng 4 năm 2012, tại Hà Nội, ICDREC đã ký kết hợp tác nghiên cứu thiết kế vi mạch với một số trường đại học ở khu vực phía Bắc như: Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Theo đó, các trường đại học này sẽ kết hợp với ICDREC tiến hành nghiên cứu, thiết kế vi mạch hướng đến việc chế tạo các thiết bị RFID và đào tạo nguồn nhân lực hiểu biết sâu sắc về việc thiết kế và sử dụng hệ thống này.

Thứ hai, công nghệ RFID đang trở thành công nghệ xu thế ở nhiều lĩnh vực trên toàn cầu. Thêm vào đó, Việt Nam đang trên con đường mở cửa và hội nhập với thế giới, các đối tác tương lai của các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia hay khu vực, mà có thể vươn sang tận nửa bên kia bán cầu – các đối tác này ứng dụng RFID để quản lí hàng hóa. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp Việt Nam rất có cơ hội học hỏi từ phía đối tác và chủ động ứng dụng công nghệ RFID để thích ứng với các đối tác và thích nghi với toàn cầu.

Thứ ba, trong công cuộc toàn cầu hóa, thị trường Việt Nam là một thị trường màu mỡ dưới con mắt của nhiều nhà đầu tư. Khi thâm nhập vào nước ta, họ mang theo vốn, mang theo công nghệ và cả các phương pháp quản lí. Cơ sở hạ tầng, khoa học kĩ thuật, công nghệ mới được đưa vào ứng dụng ở Việt Nam là tiền đề tốt cho việc lắp đặt và ứng dụng công nghệ RFID trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Thứ tư, theo kết quả thu được từ phiếu điều tra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang có kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng công nghệ RFID vào quản lí chuỗi cung ứng. Có thể nói, phản ứng đối với công nghệ mới của các doanh nghiệp Việt là chưa nhanh nhạy. Nhưng kết quả này cũng là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt. Áp dụng công nghệ RFID vào chuỗi cung ứng, tức là không phải chỉ áp dụng vào nội bộ một doanh nghiệp, mà áp dụng với cả các đối tác của doanh nghiệp đó. Điều này giúp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ RFID trên diện rộng, mở ra thời đại ứng dụng công nghệ kĩ thuật quản lí hiện đại và hạn chế sức người.

4. Thách Thức (Threats)

Thứ nhất, chi phí để đầu tư lắp đặt và đưa công nghệ RFID vào toàn bộ chuỗi cung ứng đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ. Đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu nhất.

Thứ hai, sự hợp tác từ phía các đối tác trong việc ứng dụng công nghệ RFID. Ứng dụng công nghệ RFID phải xuyên suốt từ đầu đến cuối, từ khi hàng được xuất xưởng, trong quá trình lưu chuyển và phân phối, trong việc lưu kho bãi, cho đến khi hàng hóa nằm trên các kệ bán lẻ và sẵn sàng cho khách hàng mua. Do đó, sự đồng ý hợp tác ứng dụng công nghệ RFID của các đối tác là rất quan trọng. Tuy nhiên, như tác giả đã đề cập ở trên, việc giao tiếp giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thứ 3 chưa thực sự hiệu quả. Nên thuyết phục tất cả các đối tác cùng đồng ý ứng dụng RFID là điều rất khó khăn.

Thứ ba, hiện nay, dịch vụ khách hàng, và việc quản trị mối quan hệ với khách hàng của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn bị khách hàng phản ánh khá nhiều, bởi vậy dòng sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng chưa liên tục và hiệu quả. Đổi mới và cải thiện dịch vụ khách hàng là một trong những thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Thứ tư, hệ thống thông tin back-end, hệ thống cơ sở dữ liệu và các giải pháp quản lí ứng dụng (CRM, APS, ERP) ở các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang còn rất mỏng và yếu. Xây dựng và phát triển hoàn thiện các ứng dụng này, để tích hợp với công nghệ RFID là trở ngại không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Thứ năm, các doanh nghiệp vẫn mang tâm lí e ngại rằng, RFID chỉ là một công nghệ chuyển tiếp, trước thời kì chuyển giao và bước sang một công nghệ mới khác hoàn thiện hơn và hiện đại hơn. Chính vì thế, họ luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi “Khi họ vừa làm quen và thích ứng với RFID, liệu thế giới đã chuyển sang dùng một công nghệ khác?”. Thách thức này là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường phát triển và tồn tại của công nghệ mã vạch barcode (barcode vẫn được dùng rất phổ biến ở Việt Nam), các doanh nghiệp Việt nên tin tưởng và đầu tư vào công nghệ RFID

Để biết thêm thông tin về các ứng dụng RFID, vui lòng truy cập các blog liên quan khác của chúng tôi. Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thêm về các sản phẩm RFID.

References
ThS Nguyễn Văn Hiệp, 2010, Công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
 
2016, Đề án Ứng Dụng Công Nghệ RFID Tại Viet Nam , Đại học Ngoại Thương Hà Nội
Related Articles

SPECIAL OFFER : Buy Software Get FREE Hardware !